Suy ngẫm từ đề thi chuyên Ngữ Văn: Học phong và giá trị

Suy cho cùng, trong cuộc sống bình thường này, không ai bị buộc phải nhất định trở nên một tài năng, tài hoa, ngoại trừ người ta được trao tặng một khả năng đặc biệt.

Đây là một cách hiểu về đề thi môn Ngữ văn chuyên năm học 2020-2021 của Trường THPT Chuyên Khoa học xã hội & nhân văn thuộc Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQGHN.

Đề thi chính thức môn Ngữ văn chuyên năm học 2020-2021 của Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) có cấu trúc quen thuộc; nội dung đề ngắn gọn như sau:

Câu I – Nghị luận xã hội (4,0 điểm)
Phải chăng lắng nghe người khác là đánh mất cơ hội thể hiện bản thân?
Câu II – Nghị luận văn học (6,0 điểm)
Nhà thơ Xuân Quỳnh đã viết:
Thơ đối với cuộc sống ví như một người con gái đối với gia đình, cái để cho người ta làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài lại là đức hạnh.
(Theo Ý thức và thời gian, Tạp chí Văn nghệ quân đội tháng 9 năm 1973)
Từ trải nghiệm văn học của bản thân, em hãy bàn luận về ý kiến trên.

Bản chất của đề thi là một giá trị để đo giá trị

Một đề thi có cấu trúc mới mẻ, khác thường, gây hứng thú cho lứa tuổi học sinh,  xét về mặt giá trị, cũng không có gì chênh lệch với một đề thi có cấu trúc quen thuộc.

Tính chất cũ kĩ của tư duy không nằm ở cấu trúc đề thi. Vậy nên cấu trúc đề thi giản dị và quen thuộc như kiểu đề này không phải là cái đáng để bàn cãi hoặc phán xét.

Về mục đích, đề thi chuyên văn là thử thách để tìm kiếm những học sinh tiềm ẩn khả năng văn chương như một tư chất, tố chất và phẩm chất. Khả năng ấy phải được thể hiện qua:

– Cách đọc ra vấn đề

– Cách đọc ra ngữ cảnh của vấn đề

– Cách đọc ra ẩn ý, ngụ ý của người ra đề

– Cách đọc ra ý nghĩa của việc giải quyết vấn đề

– Cách đọc ra sự thể hiện của bản thân với thử thách của vấn đề

Vậy, đề thi, về bản chất, là một giá trị để đo giá trị.

Mặt khác, văn chương không chỉ là một cái gì thuộc về một ngành, một môn học, càng không phải chỉ để thi cử. Cốt tuỷ của đề thi chọn học sinh giỏi văn là phát hiện được những con người biết dùng cách đọc và cách viết của mình để chứng minh rằng: ngôn từ có sức mạnh biểu thị; hiểu biết tâm hồn và hiểu biết xã hội là điều tối quan trọng để nhận thức ý nghĩa đời sống.

Đề thi là một cách để cả thầy và trò khám phá lại sức sống của văn chương và làm dồi dào những nhận thức về xã hội, con người, thời cuộc. Người thi làm mới lại người dạy, người chấm.

Một đề thi cho phép người ta được “tự do” là một đề thi có nội lực, vì sự tự do đó mang lại một chân trời khác rộng rãi hơn cho tư duy của các bên: người ra đề, người làm bài, người chấm thi, người quan sát.

Phải chăng lắng nghe người khác là đánh mất cơ hội thể hiện bản thân?”. Đây là một câu hỏi. Nó chắc chắn không phải là một kiểu “tiên đề”, càng không phải là một chân lí. Nó hoàn toàn tự do, cả trong nội dung phát ra lẫn yêu cầu thực hiện. Yếu tính tự do của đề thi là thước đo khả năng tự do nhận thức của thí sinh. Phát biểu được chọn bình luận trong một đề thi không nhất thiết phải do một ai đó nổi tiếng nói ra thì mới làm cho cái đề trở nên sang trọng.

Nguyễn Đình Chiểu viết: “Ba ngàn thế giới ta là vô danh”.  Vô danh cũng quý, nếu vô danh mà sâu thẳm. Câu hỏi nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh bày tỏ bình luận bất kì về sự “lắng nghe” đi cùng hệ quả “đánh mất cơ hội thể hiện bản thân”.

Phát biểu “vô danh” này có lý do để bàn bạc. Nghe là khó, lắng nghe càng khó. Nghe mà không đánh mất mình càng khó. Nghe nhau cũng khó. Nghe chính mình càng khó.

Trong chuỗi các suy ngẫm đó, đâu là sự “đánh mất bản thân”? Đặt vấn đề như vậy rèn giũa cho người học một tư duy triết học (sơ khai) trong cách nghĩ và viết về văn học.

Điều đó cần không? Một học sinh học hết lớp 9 có thể nghĩ ra được những khả năng này không? Có thể có, có thể không. Nhưng tặng họ một bình nguyên chọn lựa và tư duy, có sao đâu. Chạm được tới đâu là câu chuyện những bước đi của tài năng.

Người ta có thể so sánh danh ngôn, phát biểu của đề thi này với danh ngôn, phát biểu của đề thi khác. Nhưng giá trị của một phát ngôn còn thuộc về lịch sử tư duy và phong cách tư duy của một học phái, học phong, nhất là học phong của một trường đại học.

Chạm tới tinh thần phản biện tự thân

Đề nghị luận xã hội này đã ít nhiều chạm tới một tinh thần phản biện tự thân. Mặt khác, nó xuất hiện như một hệ quả dòng chảy học phong có bề dày về nhận thức dân tộc, con người, xã hội được hun đúc trong một lịch sử đầy đặn các công trình về khoa học xã hội, nhân văn tại trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, tiền thân là Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Tinh thần triết học phóng khoáng và sự yêu chuộng hàn lâm chẳng bao giờ lạc lõng trong bối cảnh nền giáo dục hiện đại, nếu không nói là cốt tuỷ. Tôi cho rằng, câu hỏi này rất xứng đáng là một cách đặt vấn đề có đẳng cấp về tư duy khoa học xã hội. Nó đủ sâu để tìm kiếm những ngòi bút tuy còn thiếu thời nhưng đã biết thao thức.

Câu nghị luận văn học “có vẻ” như một phát biểu cũ và “dễ” mang đến cảm giác “vấn đề cũ”, “cách nói cũ”: Thơ đối với cuộc sống ví như một người con gái đối với gia đình, cái để cho người ta làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài lại là đức hạnh. (Xuân Quỳnh). Nhưng “có vẻ” và “dễ” thuộc về tâm lý cảm nhận, thói quen tư duy; nó không hẳn là bản chất của chiều sâu ý nghĩa một phát ngôn liên quan đến thơ ca.

Xuân Quỳnh là nhà thơ lớn. Xuân Quỳnh có thể có những ví von, so sánh nào đó khác về thơ một cách mới mẻ và đỡ bị “cảm giác cũ” hơn.  Song, lối ẩn dụ trong phát biểu trên, một cách công bằng mà nói, rất Xuân Quỳnh: tài hoa và nữ tính, bản năng và truyền thống.

– Thơ với cuộc sống là một thứ tình yêu (người con gái đối với gia đình)

– Thơ hấp dẫn người ta bởi “nhan sắc” (làm quen)

– Thơ lưu lại với lòng người bởi “đức hạnh”(sống lâu dài)

“Từ bao giờ đến bây giờ, từ Homero đến kinh thi, đến ca dao Việt Nam, thơ vẫn là một sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó đã ra đời giữa những vui buồn của loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế” (Hoài Thanh). Những bình luận về mục đích và bản chất thơ ca về cơ bản đều nhắm đến phẩm chất vĩnh cửu của nó.

Vĩnh cửu luôn là một cái gì đó thuộc về sự mơ mộng của loài người. Con người luôn phải đứng trước và chấp nhận những thứ không vĩnh cửu.

Bởi thế, vĩnh cửu là một giá trị. Phát biểu của Xuân Quỳnh dù lấy một mô hình cũ (người con gái đối với gia đình) nhưng sự sâu sắc của mô hình ấy không có giới hạn. Nó thuộc về khao khát vĩnh cửu.

Người ta có quyền đặt câu hỏi: tại sao cứ nói đến phụ nữ và gia đình thì sẽ cũ? Không! Cuộc sống không bao giờ cũ. Cách nói cũ, cách ví von gần gũi, quen thuộc không có nghĩa là tất yếu nó chẳng có gì để khám phá và xuyên thấu.

Đề thi không có câu lệnh định hướng Xuân Quỳnh luôn đúng, cũng không có định hướng về ý nghĩa xã hội học trong phát biểu này là đúng, càng không có định hướng về bất bình đẳng giới trong phát ngôn về thơ. Không có gì chứng minh rằng đề thi đã có sự định hướng “phải viết theo hướng tán tụng” hoặc chỉ có thể bình luận một chiều mới được xem là tài năng.

Mọi so sánh đều không hoàn thiện, và vì không hoàn thiện nên người ta mới phải so sánh! Xuân Quỳnh có nhiều cách để so sánh (đó là điều chắc chắn, người giỏi thơ như chị thì thiếu gì cách nói) nhưng nói kiểu này thì dễ cho chị, gần với chị (dù rất dễ bị xem là không hoàn thiện, lạc hậu) mà vẫn đầy đặn ý nghĩa.

Tôi có niềm tin rằng một người làm thơ đưa ra ý kiến về thơ không bao giờ dám cho đó là chân lí của tất cả, nhưng chắc chắn rằng họ tin nó duy nhất đúng với họ.

Bản chất của người nghệ sĩ đích thực nằm ở chỗ tin điều mình sáng tạo là thật nhất với mình, là cuộc sống của mình, là ước lệ gần gũi nhất của mình, là cảm hứng lớn nhất. Do đó, rất ít lý do để “chê” Xuân Quỳnh cũ chỉ bởi vì “chúng tôi thấy nó cũ”.

Ý nghĩa của đề thi chuyên không chỉ nằm ở đáp án. Đôi khi, nó nằm ở cả sự thao thức, lúng túng và cả những tìm tòi bất chợt trong phòng thi và cả sự náo loạn vang âm của xã hội về nó. Một đề thi gây tranh cãi, đừng nghĩ nó thiếu giá trị, mà ngược lại, có khi nó đang khơi nguồn cho nhiều giá trị.

Cách ví von của Xuân Quỳnh trong trường hợp này dẫn đến một số hàm nghĩa sau:

– Tình yêu của thơ ca đối với cuộc sống là sự gắn bó đến mức thiêng liêng (khái niệm gia đình), là sự tương tác trách nhiệm (người con gái lo toan), là sự tìm kiếm một kết giao vĩnh cửu (mong muốn xây đắp mái ấm bền vững).

Thơ ca thiêng liêng, tận tuỵ, tận sống, hằng cửu, đó là một cách nhìn của Xuân Quỳnh. Tại sao cách nhìn đó nhất thiết phải trở thành lý luận? Tại sao Xuân Quỳnh phải trở thành nhà lý luận. Điều đó là không công bằng.

– “Nhan sắc” và “đức hạnh” là những thứ được biểu tượng hoá cho hai báu vật của người nữ, hai báu vật của nghệ thuật: Vẻ đẹp được nhìn thấy và vẻ đẹp được cảm thấy, đụng chạm.

Chế Lan Viên từng phát biểu đại ý rằng: cảm xúc của thơ thì có cảm xúc ngoài da và cảm xúc trong lòng. Dĩ nhiên thực tế thì không có khái niệm “cảm xúc ngoài da” nhưng đó là cách nói ẩn dụ mà những ai sống với văn chương đều không khó khăn để hiểu.

Không ai bị buộc phải nhất định trở nên một tài năng

Việc áp đặt lý luận văn học vào phát ngôn của nhà thơ là cách phối ghép thiếu triển vọng và có thể làm cằn cỗi tư duy (Nếu đáp án của đề thi này đi theo hướng đó thì hơi đáng tiếc).

Thực ra, những cảm nhận bản năng có lúc còn chính xác gấp nghìn lần những suy luận khoa học, nhất là trong văn chương nghệ thuật. “Nhan sắc” mà Xuân Quỳnh nói không phải là hình thức thơ, “đức hạnh” mà Xuân Quỳnh nói không phải là nội dung thơ.

Sự tách biệt đó là sản phẩm của thói quen nghĩ về lối dạy cũ kĩ, thói quen phản biện nhanh như một niềm hứng thú phản ứng xã hội. Xuân Quỳnh đang nói về một quan hệ tương giao tương cảm từ bên trong. Góc nhìn của Xuân Quỳnh có thể đã chứa đựng hàm nghĩa rằng:

– Một bài thơ đẹp sẽ hấp dẫn người đọc ngay lập tức;

– Một bài thơ đẹp được phát hiện sâu dần vào trong sẽ sống với người đọc mãi mãi;

Như vậy, không có hai bài thơ ở đây, không có hai trạng thái hình thức và nội dung, không có nguyên tắc nội dung quan trọng hơn hình thức. Cái đẹp được triển nở nhiều chiều, mỗi chiều đều mang lại giá trị và giá trị cao nhất là lưu trú vĩnh viễn trong trái tim con người.

Một bài thơ có thể được phát hiện nhiều lần, đẹp một lần và mãi mãi; hoặc phải được khám phá bởi người đọc tri âm để nó được sống thêm những kiếp đẹp khác.

Cái đẹp của “nhan sắc” là cái đẹp được nhìn thấy, nó nối kết tất cả chúng ta ở cái nhìn đầu tiên. Cái đẹp của “đức hạnh” là cái đẹp được “phát hiện”, được “khám phá”, “đụng chạm” và nối kết chúng ta ở sự gắn bó cuối cùng. Ngôn ngữ mà Xuân Quỳnh dùng để nói về thơ là ngôn ngữ của tình yêu, của một người đã yêu “tận cùng đau xót”.

Hãy đọc Xuân Quỳnh bằng chính hồn thơ của bà, kể cả những phát ngôn có màu sắc “truyền thống”, vì bà chẳng dẫn đường cho ai, ngoài dẫn cho chính mình.

“Đức hạnh” là một nhãn tự nhạy cảm, tinh tế nhất trong phát biểu của Xuân Quỳnh:

 Nhạy cảm, vì nó dễ làm người ta “bật lò xo” về câu chuyện đạo đức, đạo hạnh, gia phong, công dung ngôn hạnh của phụ nữ trong “xã hội xưa”;

Tinh tế, vì nó chứa nhiều tầng ý nghĩa đan xen cùng lúc. Trong những ngày tháng ngẫm nghĩ về thơ thiền tông, tôi có viết rằng: “Nỗi buồn có “đức hạnh” của nó khi tham dự vào cuộc chơi sáng tạo, chỉ khi nào không đủ sâu sắc và chân thật, nỗi buồn mới là cái gì đó “tiêu cực”.

Đức hạnh là biểu tượng về tinh hoa của cái bên trong, là phẩm tính bền vững. Thơ có giá trị từ bên trong, là nền tảng của vẻ đẹp vĩnh cửu. Điều đó có gì sai?

Tam giác: tình yêu – nhan sắc – đức hạnh không phải là một phát hiện tồi về hơi thở của thơ ca, hiện thân của nó và dư vang của nó. Cuộc đời thơ của Xuân Quỳnh đã làm chứng cho sự thật ấy.

Điều cuối cùng: nhìn toàn diện đây là đề thi khó; khó so với lứa tuổi, nhận thức, kiến văn, va chạm xã hội và khả năng biểu tượng hoá vấn đề; khó cả trong kì vọng của người ra đề. Đó là điều cần nghĩ!

Nhưng, suy cho cùng, trong cuộc sống bình thường này, không ai bị buộc phải nhất định trở nên một tài năng, tài hoa, ngoại trừ người ta được trao tặng một khả năng đặc biệt.

“Đồng thanh tương ứng”, một đề thi nhằm mục đích chọn người tài được quyền gửi gắm những giá trị mà nó chứa đựng, gìn giữ, hé mở, gọi mời. Còn người đi thi, nếu thực sự muốn tìm kiếm thiên tư của bản thân, thì nên chìm xuống nơi sâu sắc của tư duy để chạm tới sự trưởng thành, thay vì mong muốn một đề thi nào đó cần phải “phù hợp” và luôn “phù hợp” với kiểu học và phạm vi mà mình có.

Không có sự phù hợp nào đo được món quà của tạo hoá!

Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm

Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – ĐHQGHN

(Trích trên báo Dân trí online, đăng ngày 22/07/2020)