Phân tích : Đoàn thuyền đánh cá – Huy Cận

A/ MỞ BÀI

_ Theo lối xuất xứ : Nhắc đến Huy Cận, người ta liên tưởng ngay đến nhà thơ của vũ trụ, của thiên nhiên. Thơ của ông trước Cách mạng tháng tám thướng thấm đẫm nỗi buồn. Sau những ngày hòa bình được lặp lại trên miền Bắc, cũng cảm hứng lãng mạn nhưng thơ của Huy Cận không xa rời với thực tế mà gắn liền với cuộc sống hiện thực. Cái nhìn của thi sĩ về thiên nhiên bỗng trở nên ấm áp và tràn đầy niềm tin yêu vào con người. « Đoàn thuyền đánh cá » được viết năm 1958 nhân chuyến đi thực tế ở Hồng Gai là một bằng chứng.

Bài thơ đã khắc học cảnh tượng đoàn thuyền đánh cá làm việc cật lực trong đêm tối để từ đó tác giả kín đáo bộc lộ thái độ ngợi ca sự giàu đẹp của biển quê hương và vẻ đẹp của những người lao động mới. Chủ đề ấy đã được thể hiện khá rõ nét trong đoạn trích (trích dẫn đề)

_ Theo lối so sánh :

Yêu biết mấy những con người đi tới

Hai cánh tay như hay cánh bay lên

Ngực dám đón những phong ba dữ dội

Chân lội bùn không sợ những loài sên

(Tố Hữu)

Đẹp thay, tự hào thay hình ảnh những con người mới đang làm chủ cuộc đời mình. Có thể nói khung cảnh miền Bắc đang cuộn chảy theo dòng thác xây dựng chủ nghĩa xã hội và hình ảnh những con người lao động mới là nguồn cảm hứng dạt dào trong những sáng tác được viết trong giai đoạn. Bên cạnh « Tiếng chổi tre » (Tố Hữu), « Ngói mới » (Xuân Diệu), « Anh chủ nhiệm » (Hoàng Trung Thông) … sẽ là thiếu sót lớn nếu chúng ta không nhắc đến « Đoàn thuyền đánh cá » của thi sĩ Huy Cận.

Bài thơ đã khắc họa sự giàu đẹp của biển quê hương và cảnh tượng đoàn thuyền đánh cá làm việc cật lực trong đêm tối để từ đó tác giả kín đáo bộc lộ thái độ ca ngợi sự giàu đẹp của đất nước và con người Việt Nam trong thời kì mới. Chủ đề ấy được thể hiện khá rõ nét trong đoạn trích sau đây (trích dẫn đề)

Hoặc :

Huy Cận có lần tự họa về mình :

Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm

Nỗi nhớ thương không biết đã tàn chưa

Hay lòng chàng vẫn tủi nắng sầu mưa

Cùng đất nước mà nặng buồn sông núi

« Mai sau » – Huy Cận

Đó là tâm trạng của một chàng Huy Cận khi còn là một gương mặt nổi bật của phong trào Thơ mới. Buồn nên chàng gửi nhớ gửi thương vào vũ trụ, đốt lên ngọn « Lửa thiêng » để giải vợi nỗi sầu. Sau một thời gian trăn trở kiếm tìm một lối đi cho thơ, Huy Cận đã bắt kịp nhịp điệu cuộc sống mới. Nhà thơ hăm hở đi thực tế để viết nên những khúc tráng ca về thời đại. « Đoàn thuyền đánh cá » viết năm 1958 nhân chuyến đi thực tế ở Quảng Ninh là một bằng chứng đánh dấu bước chuyển thực sự trong sự nghiệp sáng tạo thi ca của Huy Cận.

Bài thơ là khúc hát khỏe khoắn, lãng mạn, hào hùng ca ngợi cuộc sống lao động đang đổi thịt thay da và hình cảnh những con người trong tư thế làm chủ bầu trời, làm chủ cuộc đời mới. Chủ để ấy được thể hiện khá rõ nét trong đoạn trích (trích dẫn đề)

 

B/THÂN BÀI

Mở đầu bài thơ là cảnh tượng hoàng hôn trên biển vừa diễm lệ, vừa hùng vĩ đầy sức sống :

Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then đêm sập cửa

Từ ngoài khơi xa nhìn vào đất liền, tác giả đã nhìn thấy được cảnh mặt trời xuống biển như một « hòn lửa » rực cháy được ủ trong lòng biển cả, tiếp tục làm ấm áp cả không gian. Vũ trụ bao la, huyền bí như cái nhà khổng lồ mà đêm tối là cánh cửa sập xuống, còn những con sóng chạy ngang trên biển là những « then » cài… Nghệ thuật so sánh và nhân hóa mà tác giả đã sử dụng ở đây thật mới lạ diễn tả cụ thể cảnh vũ trụ bắt đầu đi vào trạng thái nghỉ ngơi. Thanh trắc trong hai câu thơ đầu chiếm ưu thế cùng với những động từ mạnh « cài, sập » dễ khiến cho chúng ta nghĩ đến cảnh cập rập chuẩn bị đi nghỉ của thiên nhiên.

Đấy lại là lúc mà những người ngư dân bắt đầu chuyến ra khơi :

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi

Câu hát căng buồm cùng gió khơi

Đây là sự ra đi đầy khí thế của một tập thể « đoàn thuyền », không phải là một chiếc thuyền con hoặc vài ba chiếc thuyền lưa thưa rời rạc. Từ « lại » cho ta thấy đầy là sự tiếp diễn nhịp điệu lao động của họ, cảnh ra khơi khi hoàng hôn xuống như thế này đã diễn ra thường xuyên trong nhiều đêm, đó còn là sự khẳng định nhịp điệu lao động của dân chài đã ổn định, đi vào nề nếp trong hòa bình.

Hình ảnh những cánh buồm căng lên vì no gió là chi tiết thực nhưng « câu hát căng buồm » thì rõ ràng là hư ảo. Những người ngư dân ra khơi trong tiếng hát. Tiếng hát của họ vang xa, vút cao trên sóng nước mênh mang. Tiếng hát chính là sự thể hiện niềm vui, phấn khởi, niềm lạc quan tươi trẻ của những người đánh cá. Chỉ một tiếng hát mà nói được bao điều về thân phận con người qua hai chế độ. Ở đây không còn nữa cái cảm nhận từ nghìn xưa về sự nhỏ bé, yếu đuối của con người trước biển cả bí ẩn, chứa đầy sức mạnh tàn phá, hủy diệt vô cùng dữ dội… Chính chi tiết lãng mạn độc đáo ấy lại biểu hiện khí thế mạnh mẽ của những con người trong lao động tập thể. Nếu như hai câu thơ đầu thanh trắc được sử dụng ưu thế thì ở hai câu sau thanh bằng được mở ra như ngân nga, kéo dài gợi cho ta nghĩ đến vẻ lâng lâng sảng khoái trong tâm hồn con người. Sự đối lập về hình ảnh và nhạc điệu giúp người đọc phần nào hiểu được nỗi vất vả, cực nhọc của công việc chài lưới về đêm.

Vẫn nhịp điệu sôi nổi hào hứng, khổ thơ tiếp theo là nội dung lời hát thể hiện tâm tư người lao động cầu mong đi biển gặp nhiều may mắn và lời ca ngợi sự giàu có của biển cả :

Hát rằng : cá bạc biển Đông lặng

Cá thu biển Đông như đoàn thoi

Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng

Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi !

Chuyện làm ăn thường có nhiều may rủi. Ra khơi đánh cá, họ cầu mong biển lặng, sóng êm, gặp luồng cá, đánh bắt được nhiều. Niềm ước mong ấy phản ánh tấm lòng hồn hậu của ngư dân trải nhiều nắng, gió, bão tố trên biển. Tác giả đã ví đàn cá thu lưới nhanh trên biển « như đoàn thoi », từ đó tác giả liên tưởng đến tấm vải dệt là biển. Một hình ảnh đẹp và khoáng đạt biết bao ! Từng đoàn cá như những con thoi chạy ngang dọc trên tấm vải dệt là biển, tạo nên những luồng sáng lấp lánh giữa biển đêm. Cách diễn đạt của tác giả không khỏi gợi ta liên tưởng đến sự giàu có của biển khơi ẩn chứa trong câu ca lời hát của họ.

Yêu vẻ đẹp giàu có của biển, những người dân mong muốn đánh bắt nhiều cá để phục vụ cho đất nước. « Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi ! » câu nói như một lời kêu gọi « đoàn cá » vào lưới nhưng cũng đồng thời là lời của những người ngư dân gọi nhau thúc giục hãy nhanh tay lao động. Những hình ảnh « cá bạc, đoàn thoi, luồng sáng, dệt lưới » còn là những hình ảnh ẩn dụ rất sáng tạo đem đến cho người đọc bao liên tưởng  thú vị về vẻ đẹp của thơ ca. Đại từ « ta » vang lên đầy tự hào kiêu hãnh, nó không còn là cái tôi nhỏ bé đơn côi như những ngày xưa nữa mà là cái « ta » tập thể đầy sức mạnh. Nhịp thơ đọc lên nghe sôi nổi, hào hứng, ngân dài, vang xa như chính tâm trạng sảng khoái, say sưa của những con người làm việc với tất cả trí tuệ và tình yêu lao động, yêu biển yêu nghề. Dường như đó chính là yếu tố tạo nên cái phơi phới của đoàn thuyền đang lướt đi giữa trùng khơi.

Và cảnh đó được tác giả miêu tả trong bốn câu thơ tiếp theo :

Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng

Ra đậu dặm xa dò bụng biển

Dàn đan thế trận lưới vây giăng

Trong cảnh đêm tối đang lan dần, chúng ta thấy đoàn thuyền vẫn lướt đi nhẹ nhàng với «
ánh trăng » làm cánh buồm, gió làm bánh lái. Nếu ở khổ đầu ta bắt gặp ánh sáng của một buổi hoàng hôn thì giờ đây khi màn đêm buông xuống, ánh sáng được tỏa chiếu từ ánh trăng. Bút pháp lãng mạn với những yếu tố tưởng tượng bất ngờ tạo cho ta một ấn tượng sâu sắc về sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người. Hình ảnh « đoàn thuyền » hiện lên thật lớn lao ngang tầm với vũ trụ và chan hòa với trời nước bao la tuyệt đẹp. Công việc đánh bắt cá trở nên thơ mộng. Chúng ta như được cùng tác giả hòa nhập vào cái tâm trạng lâng lâng sảng khoái của những con người đang trong tư thế làm chủ vùng biển của đất nước. Chữ « lướt » đặc tả đoàn thuyền ra khơi với vận tốc nhanh, thiên nhiên cùng góp sức với con người trên con đường lao động và khám phá. Nhịp thơ đọc lên nghe hối hả, lôi cuốn. Nhưng rõ ràng đây không phải là một cuộc du ngoạn bằng thuyền trên sông nước mà đây là cuộc chiến đấu thực sự để giành lấy từ thiên nhiên những tài nguyên bằng tất cả sức lực, trí tuệ của con người. Những hình ảnh « dò bụng biển, dàn đan thế trận » như chứa đựng tất cả sự vất vả, hiểm nguy của những con người gắn bó cuộc đời mình với ngư trường với biển cả.

Sự giàu đẹp của biển quê hương đã được thể hiện trước mắt :

Cá nhụ, cá chim cùng cá đé

Cá song lấp lánh đuốc đen hồng

Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe

Đêm thở : sao lùa nước Hạ Long

Một loạt những hình ảnh liệt kê « cá nhụ, cá chim, cá song, cá đé » đã diễn tả sự phong phú giàu có của biển cả. Cảnh thiên nhiên về ban đêm của biển cả thật huyền ảo ! Đó là cảnh đêm trăng trên biển lung linh lấp lánh ánh trăng vàng do sự quấy động của đàn cá. Cái đuôi cá quẫy được so sánh với ngọn đuốc rực cháy. Nghệ thuật phối sắc màu rất tài tình làm cho vần thơ đẹp như một bức tranh sơn mài rực rỡ. Đại từ « em » thể hiện sự trân trọng, yêu mến sản vật của quê hương, là sự gắn bó của con người với biển cả.

Cảnh đep ban đêm còn được diễn tả bằng hình ảnh « sao lùa nước Hạ Long ». Sự tưởng tượng của tác giả thật phong phú và khá bất ngờ vì ánh sao in xuống nước, sóng đẩy vào mạn thuyền tạo nên cảnh « sao lùa nước » khiến cho chúng ta có cảm giác như « đêm » đang « thở ». Trong cái hơi thở ấy có âm thanh của sóng, gió mà còn có cả hơi thở từ lồng ngực căng khỏe của những người ngư dân. Hạ Long là một thắng cảnh bậc nhất của đất nước. Hạ Long một đêm trăng mang vẻ đẹp thần tiên. Huy Cận với bút pháp lãng mạn kết hợp với bút pháp nhân hóa đã tả cảnh đánh cá trên Hạ Long một đêm trăng bằng bao hình ảnh tuyệt vời. Thiết nghĩ phải có một tình yêu biển sâu nặng mới có thể viết lên những vần thơ tuyệt bút như vậy !

ð  Miêu tả cụ thể cảnh đánh bắt cá trên biển :

Ta hát bài ca gọi cá vào

Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao

Biển cho ta cá như lòng mẹ

Nuôi lớn đời ta tự buổi nào

Bài hát vang lên văng buồm đưa thuyền ra khơi, bài hát lại vang lên trong lao động làm cho công việc bớt phần mệt nhọc. Ánh trăng in xuống nước, sóng nhịp nhàng xô bóng trăng dưới nước gõ vào mạn thuyền tạo thành hình ảnh muôn ngàn ánh vàng tan ra theo làn sóng mà thi sĩ ngỡ như nhịp trăng cao gõ cá. Bút pháp lãng mạn được vận dụng ở đây đã góp phần làm đẹp thêm công việc đánh cá trên biển cả. Ánh trăng hiền hòa dịu mát cứ trở đi trở lại trong bài thơ như luôn đứng về phía con người trong lao động làm bạn với con người. Hai tiếng « gọi cá » thân thương biết dường nào ! Đại từ « ta » một lần nữa lại vang lên đầy tự hào kiêu hãnh. Với nghệ thuật so sánh lòng biển « như lòng mẹ » cùng với bút pháp nhân hóa : biển « nuôi lớn đời ta », tác giả đã thành công trong việc bộc lộ cách cảm, cách nghĩ của người dân chài. Theo họ, biển là bà mẹ bao dung và hào phóng đang mở cả lòng ra để cho họ nhiều tấn cá. Cũng từ hai câu thơ này, ta phần nào hiểu thêm sự gắn bó thiêng liêng giữa biển cả với cuộc đời của họ. Âm điệu thơ ở đây không sôi nỏi, dứt khoát mạnh mẽ mà trầm lắng, ấm áp, ngọt ngào, da diết như làn điệu ca dao.

Sau một đêm lao động vất vả, những ngư dân đang thực hiện các thao tác cuối cùng trước khi trở về đất liền :

Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng

Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng

Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông

Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng…

Gắn liền với ánh trăng là « sao », hơn một lần bài thơ nói đến ánh sao. Ánh sao trên biển nhìn từ xa như sà xuống thấp, nhập vào lòng biển theo những con sóng. Giờ đây đêm đã tàn « sao mờ », ánh sao đêm báo hiệu cho trời sắp sáng. Không gian và thời gian ấy như thôi thúc người lao động làm việc nhanh gấp cho « kịp trời sáng ». Đại từ « ta » cứ trở đi trở lại góp phần tạo nên một bức tranh tập thể. Hình ảnh « kéo xoăn tay » đã miêu tả động tác lao động vất vả, thái độ làm việc cật lực của những người ngư dân. Hình ảnh « chùm cá nặng » mang tính ẩn dụ thật độc đáo, trong hình ảnh đó chứa đựng biết bao niềm vui tươi, sảng khoái trước những thành quả mà họ đã tốn bao công sức mới thu hoạch được. Những « vẩy bạc đuôi vàng » của cá tô điểm cho cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, góp ánh sáng cho buổi rạng đông đồng thời cũng biểu hiện tâm hồn tạng rỡ hân hoan của con người của biển. Rạng đông đến không phải từ mặt trời mà từ thành quả lao động của con người. Một lần nữa khổ thơ cho thấy nghệ thuật sử dụng màu sắc của nhà thơ rất điêu luyện. Sắc cá dưới ánh trăng và sắc cá dưới ánh rạng đông đều được miêu tả thật tuyệt đẹp. Vẫn nhịp thơ nhanh gọn, tác giả đã khắc họa rõ những thao  tác nhịp nhàng, thành thạo cuối cùng của một đêm lao động. Màu « nắng hồng » chính là vẻ đẹp của bầu trời hay đó là màu hồng của một ngày mới, một cuộc đời mới.

Đoàn thuyền trở về trong buổi bình minh đẹp trời, con người lại trở về trong tiếng hát, trong khung cảnh buồm căng gió lộng :

Câu hát căng buồm với gió khơi

Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời

Mặt trời đội biển nhô màu mới

Mắt cá huy hoàng muôn dặm khơi

Tiếng hát hòa trong gió thổi đưa đoàn thuyền ra khơi đêm trước, tiếng hát hòa nhập cùng công việc của người ngư dân giờ đây lời hát ấy lại cùng đoàn thuyền đầy ấp cá hân hoan về bến. Vẫn chi tiết lãng mạn, hình ảnh sáng tạo, nhịp thơ khỏe đầy khí thế hào hùng, sảng khoái, tác giả miêu tả « đoàn thuyền » cũng chính là con người đang khẩn trương « chạy đua cùng mặt trời », tranh chấp với thời gian để tạo ra thành quả lao động xây dựng cuộc sống mới. Khổ thơ cuối như một điệp khúc của bài ca lao động vang lên từ nhịp sống khẩn trương của những con người làm chủ đất nước. Nếu ra đi trong cảnh « mặt trời xuống biển như hòn lửa » hùng tráng thì giờ đây họ trở về trong cảnh « mặt trời đội biển nhô màu mới » cũng thật hùng vĩ. Hình ảnh « đội biển » cũng là một nét sáng tạo độc đáo. Hình ảnh « màu mới » của không gian cũng gợi cho ta nhiều liên tưởng. Cái « mới » đâu chỉ của thời gian mà cái mới trong cuộc đời lao động, lao động cho chính bản thân mình, cho tập thể, vì thế trong câu thơ niềm vui cứ dâng đầy. Phải chăng đây còn là màu mới của cuộc đời hồng tươi sắc thắm trên miền bắc không còn bóng quân xâm lượt ? Thuyền về bến cảng trong buổi ban mai, ánh mặt trời phản chiếu trong muôn ngàn mắt cá khiến nhà thơ liên tưởng tới hàng ngàn mặt trời nhỏ xíu đang tỏa sáng niềm vui. Câu thơ không chỉ là bức tranh thu hoạch được mùa cá mà còn vẽ lên cả cảnh tượng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân vùng biển. Bằng lao động và mồ hôi, họ đã viết lên bài ca cuộc đời. Đánh cá trong đêm, đối diện với thiên nhiên rộng lớn nhưng người lao động không bị rợn ngợp, không sợ hãi đó chính là nhờ rất nhiều ánh sáng. Đó là ánh sáng của thiên nhiên nhưng cũng là ánh sáng của lòng người, ánh sáng tỏa phát từ cuộc đời lao động vất vả nhưng tràn ngập niềm vui của con người lao động mới, đang làm chủ cuộc đời. Đó cũng là ánh sáng của thời đại mới.

 

  • Đánh giá chung

_ Về nội dung : các khổ thơ đã kết thúc, câu hát cũng không còn nhưng vương vấn trong tâm trí độc giả vẫn là hình ảnh vùng biển quê hương giàu đẹp và dáng vẻ những con người lao động hiên ngang, dũng cảm. Đọc bài thơ, ta tự hào hơn về một vùng biển VN giàu đẹp, con người VN dũng cảm, lạc quan trong xây dựng đất nước.

_ Về nghệ thuật : Cảm hứng lãng mạn của nhà thơ kết hợp với hiện thực của thời kì đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc nước ta đã tạo nên một tứ thơ hay, độc đáo. « Đoàn thuyền đánh cá » đúng là một khúc tráng ca trên mặt biển của những con người lao động mới.

_ Về tác giả : Nếu như trước cách mạng, thơ Huy Cận thấm đẫm nỗi buồn vào vũ trụ và lòng người qua ánh sáng leo lét, sầu buồn của « Lửa thiêng »

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng

thì những bài thơ được viết sau những ngày mùa thu lịch sử lại mang âm điệu ngọt ngào, niềm vui say mê và phấn chấn của nhân dân lao động đang làm chủ cuộc đời với nhiều ánh sáng rực rỡ, ấm áp tình người, tình đời, ánh sáng của chế độ mới. Bởi thế có thể nói cảm quan vũ trụ đã có trong thơ Huy Cận trước cách mạng đến « Đoàn thuyền đánh cá » được tiếp nối và phát triển với những bước tiến mới.

 

C/ KẾT BÀI

Qua việc vận dụng âm điệu thơ sôi nổi, khỏe khoắn, hình ảnh thơ tráng lệ, ngôn ngữ độc đáo mới lạ ; cùng với bút pháp lãng mạn tài hoa, các khổ thơ trên đã giúp ta phần nào cảm nhận được nét đẹp vừa kì bí, vừa huy hoàng của biển cả và sức sống mãnh liệt của những con người lao động cùng với tâm trạng yêu đời, thái độ ngợi ca của thi sĩ đối với cuộc sống mới.

Bài thơ đã truyền cho người đọc một niềm tin và sức sống mới, giúp ta thêm yêu những người lao động, những người cần cù, dũng cảm và tự hào hơn về quê hương mình.

Hoặc : Chính nghệ thuật rất riêng của thi sĩ đã tạc vào lòng người đọc một ấn tượng không bao giờ phai nhòa. Đất nước ta hôm nay vẫn đang trên đà phát triển, mong ước được so sánh với các cường quốc năm châu, thiết nghĩ những bài tráng ca đề cao vẻ đẹp của con người lao động và tinh thần hăng say, nhiệt tình sản xuất luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu của bao người dân VN. Một lần nữa, xin cám ơn ông, ngòi bút tuyệt tài Huy Cận

Hoặc : Bài thơ là một minh chứng cho sự đổi mới tâm hồn của nhà thơ Huy Cận. Biển giờ  đây không còn là nơi để ông trút bỏ tâm sự nữa mà là nơi ông gửi gắm bao hy vọng vào một tương lai sáng đẹp của đất nước. Bài thơ đã khép lại nhưng ta vẫn như còn nghe thấy tiếng sóng biển và cả tiếng lòng của thi sĩ.

 

Bài giảng Ánh trăng (Nguyễn Duy)

A/MỞ BÀI

Cách 1: Cùng với Nguyễn Khoa Điềm, Lâm Thị Mỹ Dạ, Phạm Tiến Duật, thi sĩ Nguyễn Duy thuộc thế hệ các nhà thơ trẻ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vừa mới xuất hiện, Nguyễn Duy đã nổi tiếng với những bài “Tre Việt Nam”, “Hơi ấm ổ rơm”. Các tác phẩm ấy đã giúp ông đoạt giải thưởng báo văn nghệ năm 1972-1973. “Ánh trăng” được viết năm 1978, ba năm sau ngày đất nước lặng im tiếng súng – cũng là một trong những bài thơ được nhiều độc giả yêu thích bởi tình cảm chân thành, sâu sắc, tứ thơ bất ngờ mới lạ.

Bài thơ gợi lại những kỷ niệm gắn bó của người lính đối với quê hương, với đồng đội trong những năm tháng gian lao để từ đó tác giả kín đáo bộc lộ những suy nghiệm về một lẽ sống ân nghĩa thủy chung cao quý trong cuộc đời của mỗi con người. Chủ đề ấy được thể hiện khá rõ nét trong đoạn trích sau: (trích dẫn đề)

Cách 2: “Đừng đánh mất quá khứ vì với quá khứ, người ta xây dựng tương lai” (Anatole France). Thật vậy, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” – đó là truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy đã được nhắc đến rất nhiều trong các tác phẩm văn học từ bao đời nay. Chỉ bàn đến các tác phẩm văn học hiện đại, hẳn chúng ta đã ít nhiều biết đến một vài tác phẩm thuộc chủ đề này: “Con voi ở công viên Thủ Lệ” của Ngô Văn Phú, “Bức tranh” của Nguyễn Minh Châu… “Ánh trăng” của Nguyễn Duy cũng nằm trong mạch nguồn cảm xúc ấy. Qua bài thơ, tác giả đã kín đáo bộc lộ những suy nghĩ , chiêm nghiệm về một lẽ sống ân nghĩa thủy chung cao quý trong cuộc đời của mỗi con người.

Cách 3: Vậy là chiến tranh đã đi qua hơn ba mươi năm trên mảnh đất Việt Nam nhọc nhằn và anh dũng của chúng ta. Ba mươi năm, một thời gian đủ dài và đủ chín để chúng ta thấy được diện mạo trọn vẹn của hòa bình. Nhưng liệu đã có khi nào lòng chúng ta thầm hỏi: bên trong cái nhịp sống sôi nổi cuồn cuộn hôm nay, vẫn có những cuộc chiến không tiếng súng diễn ra âm thầm và khốc liệt? Đó là “cuộc chiến” trong mỗi cá thể người: để giành giật lấy phần tốt đẹp và loại bỏ đi phần xấu xa tiềm ẩn, vươn lên hoàn thiện nhân cách của mình. Vấn đề nóng hổi mà đầy trăn trở ấy đã được phản ánh khá sâu sắc qua những tác phẩm “hậu chiến tranh” mà “Ánh trăng” của  Nguyễn Duy là một minh chứng.

Bằng hình tượng “Ánh trăng” thấm đượm ý nghĩa nhân văn và tư tưởng triết luận, tác giả đã thẳng thắn và quả cảm gửi tới chúng ta một bức thông điệp tha thiết, đẹp đẽ: “Hãy lắng laị một phút cái chen lấn, bận bịu của cuộc sống để nhìn lại bản thân mình!” – để trở về với cội nguồn đạo lý “nhớ nguồn” của dân tộc thông qua việc xây dựng nhân vật trữ tình biết tự soi rọi, tự ý thức về những lầm lỗi của mình, để hướng thiện.

B/THÂN BÀI

Khổ thơ đầu như những lời tự sự ghi lại những dòng hồi ức của tác giả về quá khứ:

Hồi nhỏ sống với đồng

với sông rồi với bể

hồi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thành tri kỷ

Qua những hình ảnh không gian “đồng, sông, bể, rừng”, tác giả đã diễn tả tinh tế sự vận động của thời gian gắn bó với sự trưởng thành của nhà thơ xuất thân từ đồng nội. Người đọc như thấy thấp thoáng bóng dáng một cậu bé hồn nhiên lớn lên theo tháng ngày nơi đồng ruộng, sông bể để rồi trở thành người chiến sĩ trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ. Trăng gắn bó với tác giả ngay từ thời thơ ấu. Trăng gắn với đồng ruộng, dòng sông, biển cả. Nhưng phải đến khi ở rừng nghĩa là lúc tác giả sống trên tuyến đường Trường Sơn xa gia đình, quê hương, vầng trăng mới thành “tri kỷ”. Trăng với tác giả là đôi bạn không thể thiếu nhau, hiểu biết, thông cảm lẫn nhau.

Khổ thơ nhẹ nhàng đưa người đọc lần về quá khứ, hai chữ “hồi” ở câu một và ba làm cho khổ thơ như có một chỗ dừng chân. Cái dừng chân giữa ranh giới của ấu thơ và lúc trưởng thành! Những chữ “hồi, với” được lặp lại diễn tả cuộc sống nhiều biến động của một con người. Điều ấy chứng tỏ nhà thơ đã đi nhiều, từng trải nhiều…

Lời thơ như giọng nói thủ thỉ, tâm tình. Phải chăng vì thế mà người đọc bị lôi cuốn theo lời tâm sự của tác giả? => Tác giả như khắc đậm thêm tình cảm của mình đối với ánh trăng:

Trần trụi với thiên nhiên

hồn nhiên như cây cỏ

ngỡ không bao giờ quên

cái vầng trăng tình nghĩa

Cách nói “trần trụi với thiên nhiên” gợi cho người đọc nghĩ tới sự gần gũi giữa tác giả với thiên nhiên, gần gũi với trăng. Sự “hồn nhiên” vô tư ở đây là của tâm hồn người chiến sĩ hay ánh trăng? Có lẽ cả hai. Tâm hồn người chiến sĩ lúc ấy “hồn nhiên” vô tư đến độ “như cây cỏ” – không có gì tính toán, mưu toan, vụ lợi.  Ánh trăng cũng hồn nhiên như trẻ thơ, chân thành như bạn hữu, trăng chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ với những người lính ở rừng núi… Cái “tình nghĩa” vẹn toàn ấy của trăng làm sao con người có thể quên được.

Cách nhân hóa “vầng trăng thành tri kỷ”, “vầng trăng tình nghĩa” thể hiện tình cảm nặng lòng của tác giả đối với trăng biết nhường nào! Vầng trăng “tri kỷ” đã đẹp rồi mà “vầng trăng tình nghĩa” còn cao quý biết bao!

Lời thơ vẫn thủ thỉ tâm tình nhưng dường như đã xuất hiện những biến chuyển trong lời tâm sự của thi nhân. Từ “ngỡ” ở đầu câu thơ thứ ba như báo trước một điều gì sẽ xảy ra trái với dự đoán và suy nghĩ ban đầu, một chữ “ngỡ” đã mở ra những dòng suy tư khác….

=> Điều ấy đã trở thành hiện thực, điều “ngỡ không bao giờ quên” ấy bây giờ đã quên:

Từ hồi về thành phố

quen ánh điện cửa gương

vầng trăng đi qua ngõ

như người dưng qua đường

Trước đây tác giả sống với sông, với bể, với rừng bây giờ môi trường sống đã thay đổi: tác giả về sống với thành phố. “Từ hồi về thành phố” có lẽ là khi chiến tranh đã qua rồi, cuộc sống yên bình đã trở lại và cũng có nghĩa là những gian khổ, ác liệt của cuộc chiến đấu đã lùi xa. Cái thiên nhiên vĩ đại và nguyên sơ như “đồng, sông, bể, rừng”  biến mất, bao quanh con người bây giờ là một kích cỡ nhân tạo: “thành phố”. Đời sống cũng thay đổi theo: “quen ánh điện cửa gương”. “Ánh điện” và “cửa gương” tượng trưng cho cuộc sống sung túc, đầy đủ sang trọng đã khiến cho “cáo vầng trăng tình nghĩa” ngày nào bị tác giả dần lãng quên. Những no đủ hạnh phúc của cuộc sống mới hấp dẫn hơn vầng trăng tri kỷ năm nào. Phải chăng “vầng trăng” ở đây tượng trưng cho những tháng năm trong quá khứ? Hay đó còn là tình bạn, tình đồng chí được hình thành từ những tháng năm gian khổ ấy? “Trăng” bây giờ thành “người dưng”, dường như tác giả không còn nhận ra đó đã từng là người bạn nghĩa tình ngày trước.

Hình ảnh nhân hóa ở đây thật sinh động “vầng trăng đi qua ngõ”. Trăng đâu có cao xa vời vợi, trăng vẫn gần gũi thân thương vậy mà con người thật lạnh lùng dửng dưng… Rõ ràng hoàn cảnh tác động đến con người thật mạnh mẽ. Bởi thế người đời vẫn thường nhắc nhau : “ngọt bùi nhớ lúc đắng cay, ra sông nhớ suối có ngày nhớ đêm”. Lời thơ pha chút chua xót, dường như tác giả đang cố giữ nguyên không để cho lời tâm tình kia xao động.

Khổ thơ này có kết cấu đối lập, một bên là “ánh điện, cửa gương” sáng lòa, lộng lẫy, rực rỡ và một bên là “ánh trăng” dịu ngọt, thanh nhẹ.  Đặt những hình ảnh có vẻ đối lập bên nhau, Nguyễn Duy muốn bộc lộ kín đáo một lời tự nhủ chân thành. Người đọc như bị cuốn theo mạch cảm xúc của tác giả.

ð  Bài thơ được phát triển đến một tứ thơ có chút kịch tính:

Thình lình đèn điện tắt

phòng buyn-đinh tối om

vội bật tung cửa sổ

đột ngột vầng trăng tròn

Bốn dòng thơ với hai từ “thình lình”, “đột ngột” không khỏi làm người đọc giật mình – cái giật mình như một phản xạ kéo ta ra khỏi luồng suy nghĩ miên man. Cử chỉ “vội bật tung cửa sổ” lúc bấy giờ chỉ là một phản xạ hết sức tự nhiên của một người quen với ánh sáng điện nay lại bị giam trong bóng tối, mong có được một chút ánh sáng bên ngoài cho căn phòng đỡ tối tăm hơn mà thôi chứ đâu phải là một hành động có chủ ý đi tìm người bạn tri kỷ ngày nào.

ð  Riêng tác giả, cái vầng trăng đột ngột hiện ra trên khoảng trời kia đâu phải chỉ để thay thế trong khoảnh khắc cho sự cố mất điện vừa rồi mà nó còn làm xáo trộn tâm hồn thi sĩ:

Ngửa mặt lên nhìn mặt

có cái gì rưng rưng

như là đồng, là bể

như là sông, là rừng

Cử chỉ « ngửa mặt lên nhìn mặt » chính là sự đàm tâm, đối thoại với trăng mà cũng là tự đối thoại với mình. Trong câu thơ, tác giả dùng đối xứng hai từ « mặt » rất hay. Đó là nhìn mặt tri kỉ, mặt của tình nghĩa mà bấy lâu nay mình dửng dưng. Nguyễn Duy gặp lại ánh trăng như gặp lại người bạn tuổi thơ, như gặp lại người bạn từng sát cánh bên nhau trong những tháng năm gian khổ. Từ « rưng rưng » gợi tả nỗi xúc động của thi sĩ… Những kỷ niệm ngày nào bấy lâu tưởng bị chôn vùi nay lại ùa về đánh thức tâm hồn người trong cuộc « như là đồng là bể. như là sông là rừng »

Điệp ngữ « như là » cùng với nhịp thơ gấp bộc lộ rất rõ cảm xúc đang trào dâng mạnh mẽ, con người như đang quay về với những kỷ niệm… Những xúc xảm trong nỗi niềm xót xa, ân hận khiến giọng thơ không thể bình thản như trước nữa. Khổ thơ đầu chỉ nhắc « sống với đồng, với sông, với bể » đến đây trở thành « như là đồng, là bể » giọng kể đã thành giọng hoài niệm. Vầng trăng đã đánh thức dậy tất cả, từ những năm tháng hoa niên cho đến khi cầm súng hành quân đuổi giặc dưới những cánh rừng. Hóa ra những ký ức đẹp đẽ ấy đã không mất đi và con người không phải hoàn toàn vô tâm đến thế. Ký ức ấy chỉ tạm lắng xuống, con người trong lúc bận rộn có thể lãng quên đi nhưng chỉ cần một tác động nhỏ nào đó, chúng sẽ sống dậy vẹn nguyên, thậm chí còn đằm sâu hơn, tạo nên vẻ đẹp không gì sánh nổi của tâm hồn con người.

ð  Khổ cuối bài thơ, Nguyễn Duy đưa người đọc cùng đắm chìm tong suy tư, trong chiêm nghiệm về « vầng trăng tình nghĩa » một thời :

Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình

Bài thơ dừng ở cảm xúc « rưng rưng » cũng đã rõ chủ đề. Nhưng thêm một đoạn cuối, ý tưởng bài thơ được đẩy cao thêm, rõ hơn và mạnh hơn trong sự bình luận về một thái độ sống. Hình ảnh « vầng trăng » còn được nhà thơ nhìn lại « tròn vành vạnh » thật là đẹp, một cái đẹp viên mãn không hề bị khiếm khuyết dù ai kia thay đổi, vô tình. Ánh trăng sáng tròn đầy hay chính là cái đẹp của tình nghĩa thủy chung, nhân hậu ? Ánh trăng vừa nghiêm khắc, lạnh lùng, vừa bao dung độ lượng : « kể chi người vô tình »

Chính ánh trăng vô ngôn, không một lời trách cứ ấy đã khiến cho « người vô tình » thấy rõ cái khiếm khuyết của bản thân mà không khỏi « giật mình » tỉnh ngộ

Thật khó diễn tả cho hết tâm trạng của con người lúc ấy, biết bao ý nghĩa hàm ẩn trong hai chữ « giật mình ». Cái « giật mình » chân thành thay cho một lời sám hối ăn năn. Dù lời sám hối ấy không được cất lên nhưng chính vì thế nó lại làm cho ý thơ trở nên ám ảnh, day dứt hơn. Cả bài thơ là vô nhân xưng, đến đây tác giả mới xưng « ta » để nhận lỗi, để tạ tội. Một cái giật mình tái mặt khi nhận ra chân tướng của chính mình. Người xưa hay nói « trong cái rủi có cái may ». Một sự cố rất bình thường của nền văn minh hiện đại đã thức tỉnh con người trở về với những giá trị cao đẹp, vĩnh hằng. Đó chính là cái hay và độc đáo của bài thơ có sức cảm hóa lòng người.

Bài thơ tạo được xúc động bởi cách diễn tả như một lời tâm sự chân thành, lời tự nhắc nhớ có giọng trầm tĩnh mà lắng sâu. Khổ cuối của bài thơ dồn nén biết bao niềm tâm sự và mang chiều sâu tư tưởng triết lí : vầng trăng cứ tròng đầy lặng lẽ, thủy chung trọn vẹn, bao dung độ lượng, không hề đòi hỏi sự đền đáp hay đó cũng chính là phẩm chất cao đẹp của nhân dân mà Nguyễn Duy cũng như nhiều nhà thơ cùng thời đã phát hiện và cảm nhận một cách sâu sắc. Có lẽ niềm tâm sự sâu kín giờ đây không chỉ còn là của riêng Nguyễn Duy nữa. Ý kết của bài thơ đã nâng những suy nghĩ của tác giả lên tầm khái quát : Ai cũng có những lúc vô tình quên đi những gì tốt đẹp của ngày xưa. Nếu như không có sự thức tỉnh, những lúc « giật mình » nhìn lại của lương tâm thì biết đâu chúng ta sẽ đánh mất chính mình ?

Mở rộng : Lý Bạch đã từng có hai câu thơ nổi tiếng

Cử đầu vọng minh nguyệt

Đê đầu nhớ cố hương

Giữa miền đất xa lạ dầu vẫn nằm trên đất Trung Hoa, Lý Bạch nhìn vầng trăng mà nhớ quê hương mình, như níu lấy chút gì thân quen để sưởi ấm tâm hồn lữ khách. Với Nguyễn Duy, vầng trăng ngời tỏ trên bầu trời kia còn gợi lại cả một thời trong quá khư và đặc biệt làm cho tâm hồn thi nhân bừng tỉnh và trở về với chính mình. Có bao giờ ta tự hỏi tại sao cũng chỉ là vầng trăng ấy thôi, con người lại có thể nhìn thấy nhiều điều khác nhau đến thế ? Lúc ấy, hãy nhớ lại câu nói của Marcel Proust « thế giới được tạo lập không phải một lần mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập »

Đánh giá chung (hs bộc lộ những suy nghĩ khác nhau của bản thân về bài thơ)

Gợi ý :

_ Về nội dung : Đọc bài thơ, ta không khỏi cảm động và cảm phục trước cái « giật mình » của lương tâm, cái « giật mình » thức tỉnh đáng trân trọng của tác giả. Một sự thức tỉnh đầy ý nghĩa. Đó chắc hẳn là lời trách cứ rất mực chân thành và dũng cảm. Trong dòng thác vận động của cuộc sống, những cái « giật mình » như vậy đáng quý biết bao ! Nó níu giữ con người khỏi bị trôi trượt đi bởi những lo toan tất bật hằng ngày, nó bảo vệ con người khỏi những cám dỗ tầm thường. Và trên hết, nó luôn hướng con người đến những giá trị cao đẹp của cuộc sống.

_ Về nghệ thuật : Nhìn lại toàn bài, ta thấy tác giả không viết hoa những chữ đầu mỗi dòng thơ. Phải chăng đó là dòng cảm xúc trôi chảy liền mạch trong tâm hồn con người ? Có thể nói « Ánh trăng » là một minh chứng cho phong cách viết rất riêng, rất mới của thi sĩ Nguyễn Duy.

_ Về tác giả : Thiết nghĩ nếu tác giả không phải là người từng có một thời sống đẹp như thế làm sao có được niềm tâm sự đáng quý như vậy ?

 

C/KẾT BÀI

Qua việc vận dụng thể thơ ngũ ngôn, thể thơ phù hợp với việc tự sự, bộc lộ cảm xúc, giọng điệu chân thành, nhỏ nhẹ mà thấm sâu ; hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng cùng với ngôn ngữ bình dị mộc mạc, tác giả đã hoài niệm về những kỷ niệm gắn bó của người lính đối với đất nước, với đồng đội trong những năm tháng gian lao để từ đó kín đáo bộc lộ những suy nghiệm về một lẽ sống ân nghĩa thủy chung cao quý trong cuộc đời của mỗi con người.

Đọc « Ánh trăng » của Nguyễn Duy, người đọc như một lần được đối diện với chính mình và cũng đồng thời giao cảm với một tâm hồn đáng trân trọng.

Hoặc :

_ Có lẽ ai đã từng đọc « Ánh trăng » cũng đều nghiêm khắc với chính mình như thế vì một thời quá khứ chưa được đánh giá đúng mức. Vâng, muộn còn hơn không mỗi chúng ta đều phải có trách nhiệm với những gì thuộc về quá khứ. Thiết tưởng « Ánh trăng » không chỉ làm « giật mình » một Nguyễn Duy mà thôi !

_ Qua tâm sự sâu kín của Nguyễn Duy ở bài thơ « Ánh trăng », chúng ta như được thanh lọc lại tâm hồn mình, như lay động miền ký ức mà có lúc vô tình chúng ta đã lãng quên.

_ Mong sao những ai từng ở với sông, với biển, với đồng, với rừng… trong những năm tháng gian lao ấy luôn luôn có được tình cảm này.