Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành)

Truyện ngắn Rừng xà nu tái hiện lại không khí một thời kì lịch sử của phong trào cách mạng giải phóng ở miền Nam: những năm đen tối cho đến lúc đồng khởi (khoảng 1955-1959), qua các đoạn đường cuộc đời Tnú và làng Xô Man. Xung đột chính của truyện là giữa nhân dân, cách mạng với kẻ thù là Mĩ – ngụy dồn nén đẩy tới cao trào ở cuối truyện

Cốt truyện của Rừng xà nu có hai câu chuyện đan cài vào nhau: chuyện về cuộc đời Tnú và chuyện về cuộc nổi dậy của dân làng Xô Man. Chuyện về cuộc đời Tnú đóng vai trò chính yếu và là cốt lõi của câu chuyện cuộc nổi dậy của dân làng Xô Man. Cách tổ chức tác phẩm theo hai giọng điệu trần thuật khác nhau: miêu tả cánh rừng xà nu và Tnú về thăm làng là lời trần thuật của tác giả. Kể về cuộc đời Tnú và cuộc nổi dậy của dân làng Xô Man là lời nhân vật cụ Mết, một già làng, người chứng kiến và tham gia vào câu chuyện, kể cho dân làng nghe. Câu chuyện của một đời, một làng lại được kể trong một đêm, trong ngôi nhà rông, bên bếp lửa đã gợi lên không khí sử thi giống như hình thức diễn xướng của loại hình sáng tác dân gian của một số dân tộc ở Tây Nguyên, thường được gọi là khan, tức là kể chuyện sử thi các anh hùng (tiêu biểu cho các sử thi dân gian này là Đam Săn, Xinh Nhã,…). Nhưng câu chuyện cụ Mết kể không phải là những câu chuyện huyền thoại mà là câu chuyện của thời hiện đại, cụ thể là đã xảy ra chỉ cách thời gian kể mấy năm. Vì thế, giọng điệu kể chuyện ở đây có sự trang nghiêm của sử thi và trang trọng của lịch sử như muốn truyền lại cho con cháu lịch sử của cộng đồng. Câu chuyện về cuộc đời của Tnú và cuộc nổi dậy của dân làng Xô Man được kể theo lối hồi tưởng qua lời kể của cụ Mết và hồi ức của Tnú. Vì thế, những tình tiết câu chuyện được kể lại theo quan điểm nhân vật.

Để tạo ra không gian cho tác phẩm và không gian cnày mang ý nghĩa cho đại ngàn Tây Nguyên, truyền thống và phẩm chất của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, tác giả đã mở đầu bằng dựng cảnh rừng xà nu ở thời điểm hiện tại (đang chịu sự hủy diệt của kẻ thù). Cây xà nu là biểu tượng nổi bật và xuyên suốt tác phẩm, tham gia vào kết cấu của tác phẩm (mở đầu là cánh rừng xà nu tit 1 tắp đến tận chân trời và kết thúc cũng như vậy). Nhưng đặc tính của cây xà nu như: mọc thẳng, đứng thành rừng, cành lá xum xuê, ham ánh sáng, có sức sống mãnh liệt, nhựa thơm ngào ngạt,… là những yếu tố được tác giả khai thác trong việc xây dựng hình tượng mang tính biểu tượng cho sức sống, phẩm chất, tinh thần bất khuất của con người Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, mà cụ thể là những nhân vật trong tác phẩm. Sự miêu tả cây xà nu luôn được đặt trong sự ứng chiếu với con người, để gợi ra những biểu tượng về đời sống, số phận và phẩm cách của con người. Đồng thời, nhiều chỗ miêu tả về con người cũng luôn dùng cách so sánh với cây xà nu. Thủ pháp ấy trong miêu tả tạo nên sự hòa nhập, tương ứng giữa con người với thiên nhiên, mang chất thơ hào hùng, tráng lệ.

Cây xà nu không thể thiếu trong cuộc sống của dân làng Xô Man, đồng thời nó còn là “chứng nhân lịch sử” và tham gia vào các sự kiện lịch sử trọng đại của dân làng. Đọc tác phẩm, ta có thể thấy sự hiện diện của cây xà nu trong cuộc sống cùa dân làng Xô Man từ nghìn đời nay: ngọn lửa xà nu trong mỗi bếp, trong đống lửa ở nhà ưng (người Ba-na, Ê-đê, Gia-rai, Xê-đăng gọi là nhà rông), nơi tập hợp dân làng trong sinh hoạt văn hóa và khi có những sự việc quan trọng, ngọn đuốc xà nu soi đường cho Mai và Tnú tiếp tế cho anh Quyết ở trong rừng, khói xà nu làm đen bảng để Mai và Tnú học chữ của anh Quyết dạy cho. Xà nu cũng tham gia vào những sự việc quan trọng của dân làng Xô Man: ngọn lửa trong tay cụ Mết và tất cả dân làng vào rừng lấy giáo, mác, dụ, rựa đã giấu kĩ chuẩn bị cho cuộc nổi dậy, và đêm đêm, làng Xô Man thức dưới ánh đuốc xà nu để mài vũ khí; giặc đốt hai bàn tay Tnú cũng bằng giẻ tẩm ngựa xà nu, ngọn lửa các bó đuốc từ nhựa xà nu soi sáng rực rỡ cái đêm cả làng nổi dậy, soi rõ xác mười tên giặc chết ngổn ngang quanh đống lửa lớn giữa sân làng.,…

Chi phối bởi tính biểu tượng của cây xà nu, nhân vật trong tác phẩm biểu hiện sự nối tiếp các thế hệ: cụ Mết, cây xà nu cổ thụ; Tnú, Mai, Dít là thế hệ cây xà nu trưởng thành, con của ami, bé Heng là cây xà nu mới lớn; anh Quyết là đại diện cho cán bộ Đảng “gieo mầm” cách mạng trong lòng đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Kẻ thù của nhân dân, sự hủy diệt rừng xà nu là bọn giặc mà đại diện là thằng Dục.

Tính sử thi của tác phẩm, ngoài giọng điệu, còn thể hiện ở hình thức xây dựng nhân vật. Câu chuyện về cuộc đời Tnú và con đường Tnú chọn mang ý nghĩa tiêu biểu cho người anh hùng, đại diện cho số phận và con đường đi lên của các dân tộc Tây Nguyên trong thời đại đấu tranh cách mạng. Xây dựng nhân vật Tnú, tác giả tập trung biểu hiện những nét tính cách của con người Tây Nguyên: gan góc, táo bạo, dũng cảm và trung thực (có những chỗ tác giả miêu tả rất thực nhưng lại rất ý nghĩa: khi bị bắt, Tnú nuốt ngay lá thư vào bụng, bọn địch hỏi cộng sản ở đâu, Tnú đặt tay vào bụng và nói “Cộng sản đây”). Số phận của Tnú cũng tiêu biểu cho số phận đồng bào Tây Nguyên. Tnú vẫn có những ngày hạnh phúc, được ở bên Mai từ khi còn nhỏ và thành vợ chồng, có một đứa con. Tác giả tập trung miêu tả về số phận đau thương của nhân vật dẫn đến cao trào của tác phẩm. Chính mắt Tnú chứng kiến kẻ thù tra tấn dã man vợ con mình. Chính Tnú đã hành động theo trái tim hòng cứu vợ con nhưng không những không cứu được vợ con mà bản thân anh bị giặc bắt và tra tấn khủng khiếp: đốt mười đầu ngón tay, nơi nhạy cảm nhất của thần kinh. Hình ảnh bàn tay Tnú là chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong tác phẩm. Khi trở về thăm làng, cụ Mết hỏi: “Mười ngón tay mày đã mọc ra rồi chưa Tnú”, và câu chuyện được kể lại cũng bắt đầu từ đây. Mười ngón tay còn lành là bàn tay trung thực và tĩnh nghĩa (bàn tay cầm phấn viết chữ của anh Quyết dạy cho, bàn tay cầm đá đập vào đầu khi học chữ hay quên, bàn tay đặt vào bụng để trả lời bọn giặc “Cộng sản đây”, bàn tay được Mai cầm lên thật cảm động khi Tnú vượt ngục trở về,..) Bàn tay Tnú cũng tượng trưng cho sự bất khuất, kiên cường (khi bị đốt, Tnú không kêu la, không khai với kẻ thù). Bàn tay cháy cụt ngón như là chứng tích về tội ác của kẻ thù, đồng thời là lòng căm hận mà Tnú mang theo suốt đời. Dù mỗi ngón mất một đốt, nhưng bàn tay đó vẫn cầm súng lên đường đi tìm những thằng Dục để trả thù. Bàn tay không lành lặn đó đã bóp chết tên chỉ huy đồn địch ngay trong hầm ngầm của nó.

Cuộc đời Tnú là khúc ca bi tráng về những con người bất khuất trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Dù đau thương, mất mát, nhưng Tnú vẫn đứng lên, vẫn trở thành anh chiến sĩ giải phóng quân, hình ảnh con người Việt Nam đẹp nhất trong thời kì chống Mĩ, vẫn nặng tình nặng nghĩa với bản làng, vẫn giữ được nguyên tắc của tính kỉ luật trong quân đội, vẫn anh dũng hiên ngang trên chiến trường. Đồng bào Tây Nguyên nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung, đã có biết bao con người như Tnú trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Trong các nhân vật chính diên, nhân vật cụ Mết có vai trò quan trọng, không chỉ trong việc tổ chức tác phẩm mà còn tham gia thể hiện chủ để của tác phẩm. Cụ Mết là già làng, tức là người có trách nhiệm với dân làng về các công việc chung, tổ chức các hoạt động cộng đồng như tế lễ, lễ hội, người giữ trụ cột tinh thần của một làng, một bản. Trong tác phẩm, cụ Mết được xây dựng là người đại diện và lưu giữ truyền thống của cộng đồng để truyền lại cho các thế hệ tiếp nối. Cụ còn là cầu nối giữa cách mạng với dân làng, là người phát ngôn cho những chân lí về con đường giải phóng của nhân dân. Trong câu chuyện cụ kể về Tnú, cụ có nhắc nhở: “nhớ lấy, ghi lấy. Sau này tau chết rồi, bay còn sống phải nói lại cho con cháu: chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!…” Câu nói của cụ có nghĩa là: kẻ thù dùng vũ lực để đàn áp nhân dân, đàn áp cách mạng thì nhân dân phải đứng lên đấu tranh vũ trang chống lại chúng. (liên hệ ở thời điểm lịch sử này: sau khi hiệp định Genève kí kết (1954), theo hiệp định, sau hai năm phải tổng tuyển cử để thống nhất đất nước, nhưng bọn Mĩ -Diệm đã phá hoại hiệp định hòng chia cắt đất nước ta lâu dài. Nhân dân miền Nam đấu tranh chính trị để đòi hiệp thương thống nhất đất nước đã bị chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp. Diệm còn ra luật 10/59, lê máy chém khắp miền Nam tàn sát cán bộ cách mạng và nhân dân. Trước tình hình đó, phong trào Đồng khởi nổ ra, và bắt đầu cho cuộc đấu tranh vũ trang khắp chiến trường miền Nam)

(HDLVDV12)

Bình luận nha :)